Bất cứ thiết bị nào cũng vậy, dù xuất phát từ một thương hiệu nổi tiếng, độ bền cao, tính năng tốt, nhưng nếu người sử dụng không biết bảo vệ, bảo quản, tuổi thọ của thiết bị cũng giảm đi đáng kể. Máy giặt cũng không nằm ngoài quy luật đó. Dưới đây là danh sách những thói quen làm hỏng máy giặt của bạn, hy vọng qua đó có thể giúp bạn hạn chế, tạo điều kiện hoạt động tốt nhất cho thiết bị.

Giặt quá tải

Nếu lao động nặng nhọc khiến bạn bị stress, thì cho quá nhiều đồ cùng lúc vào giặt sẽ khiến chiếc máy quá tải. Nếu điều đó xảy ra thường xuyên sẽ khiến máy hoạt động chậm chạp, ì ạch vì trục xoay, dây đai, lò xo phải chịu sức ép lớn hơn so với công suất hoạt động giới hạn. Đồng thời, điều này còn gây nguy hiểm cho đồ giặt, vì áo quần có thể bị dồn về một phía, gây tắc, nghiêng, rung lắc trong quá trình vắt, sấy, kéo theo đó là y phục sớm bị sờn, bạc màu, thậm chí là rách. Bạn nên chú ý, mỗi chiếc máy giặt đều có quy định số kí nhất định, chỉ nên giặt trong giới hạn đó, không nên vượt quá.

Không sử dụng bột giặt chuyên dùng cho máy giặt

Bột giặt thường sẽ tạo ra rất nhiều bọt so với khả năng chứa của máy. Điều này dễ gây ra hiện tượng trào bọt khỏi nắp máy, làm máy bị thấm nước, ngấm ẩm, dễ làm hư hại, nấm mốc các chi tiết bên trong. Chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng đúng loại bột giặt chuyên dụng dành cho máy giặt. Đồng thời, cũng nên chọn máy giặt phù hợp với từng dòng máy cửa trên và cửa ngang. Bột giặt cửa trên thường sẽ ít bọt hơn cửa ngang. Điều này cũng thường được nhà sản xuất bột giặt ghi chú rõ trên bao bì.

Không kiểm tra, vệ sinh máy giặt thường xuyên

Chiếc máy giặt cũng giống như con người, nếu thường xuyên không tắm rửa sẽ dễ bị nhiễm khuẩn, gây ra rất nhiều bệnh tật. Nếu bạn không vệ sinh máy giặt, các chất cặn bã, dị vật, bụi bẩn, nấm mốc…lâu ngày sẽ bám cứng vào thành máy, các bộ phận của máy gây rỉ sét, hư hại, hoặc tắc nghẽn hoạt động cấp thoát nước. Hơn nữa, các chất cặn bã còn sót lại dễ bám ngược trở lại quần áo, gây ngứa da, viêm da, viêm hô hấp…